Mê Phim #01: Past Lives (2023) | Muôn kiếp nhân duyên
Yêu nhau không thể đến được với nhau | Một bộ phim không thể bỏ qua cho người trẻ đang yêu.
1 - Tổng quan
Một bộ phim chậm, dễ theo dõi, nhẹ nhàng, không có cãi vã, không có drama gì cả, cũng chả có những phân đoạn du dương làm chậm để kéo cảm xúc. Nhưng đó mới là Chất Đời trong Past Lives, cũng là cách chúng ta đối diện với cuộc sống.
Cơ bản khi xem xong, người xem đều hiểu bộ phim được chia ra làm 3 mốc thời gian chính:
Khi nữ chính Nora và nam chính Hae Sung là bạn học hồi nhỏ ở Hàn. Sau đó Nora phải theo gia đình sang Canada. Họ chia tay ở đây. (Phần này chiếm thời lượng ít nhất)
12 năm sau, Nora ở Mỹ, Hae Sung ở Hàn. Họ “vừa tình cờ vừa chủ động” thành công tìm lại nhau qua mạng xã hội. Họ trò chuyện, call video nhưng mỗi người vẫn sống cuộc sống riêng của mình. (Phần này chiếm thời lượng dài thứ hai)
24 năm sau, Hae Sung bay sang Mỹ và hai người họ chính thức gặp lại nhau, nhưng Nora lúc này đã lập gia đình với nam thứ Arthur. (Đương nhiên, đây là phần dài nhất)
Nhìn chung, đây là một câu chuyện đượm buồn về cách ba nhân vật Nora, Hae Sung và Arthur trưởng thành, bỏ lại quá khứ, sống cho tương lai, đặc biệt là Nora và Hae Sung.
2 - Phân tích
Trước hết, không thể không nhắc tới phân cảnh đầu tiên của phim, phân cảnh Phá vỡ bức tường thứ tư. Mình không nhớ là đã từng xem được cảnh Fourth wall nào mà nó lại ấn tượng như này. Thông thường Fourth wall hay được thêm vào để tăng tính giải trí, đùa vui là chủ yếu, chứ không liên kết chặt chẽ với nội dung được như trong Past Lives. Nhưng thực ra lúc xem, chúng ta lại không hề nhận ra được đây là Fourth wall. Nếu ai đó tinh ý thì có thể đã nhận ra ngay ở phân đoạn 12 năm sau, còn mình thì phải lâu hơn, tới tận đoạn 24 năm rồi ngẫm lại mới hiểu.
Đây là phân cảnh đầu tiên (bản dịch của Bimbip Subteam):
Điểm hay nhất của phân cảnh này đối với mình chính là việc nó được quay long take. Máy quay ban đầu ở góc rộng, nhìn được đầy đủ ba nhân vật, nhưng cuối cùng chỉ còn nhân vật nữ, cùng cái nhìn đắt giá thẳng vào máy quay.
Câu chuyện ở cảnh này là hai người nào đó đang đoán xem mối quan hệ của ba nhân vật xuất hiện trong khung hình, mà về sau ta biết được họ là ba nhân vật trung tâm của phim. Câu thoại cuối cùng “I have no idea - Chẳng biết thế nào” vang lên tại lúc chỉ còn nhân vật nữ trong khung hình cùng cái nhìn thách thức. Ám chỉ nhân vật nữ này cũng đang “Chẳng biết thế nào” cho dù đây không phải câu thoại của cô. Ngoài ra, các câu thoại khác cũng rất ẩn ý, nó vừa đúng mà vừa sai. Nhưng như đã nói, phải xem tới gần cuối phim mới có thể ngộ ra được.
Trở lại với cú máy, từ góc Toàn rồi kéo lại góc Cận, điện ảnh dã man. Và đây cũng chính là điểm mà mình thích nhất ở bộ phim, cách lựa chọn Toàn-Trung-Cận. Nhưng trước khi đi vào sâu hơn, hãy bàn về nội dung phim cái đã.
1. Nội dung
Phim xoay quanh một từ quen thuộc trong văn hóa Hàn, “inyeon”, nghĩa là “nhân duyên” hay “định mệnh”. Đây cũng là văn hóa chung của các nước Á Đông, bao gồm cả Việt Nam chúng ta. Đại ý là để kiếp này gặp được nhau thì kiếp trước phải có duyên có nợ. Đúng theo cái tên của phim Past Lives (Kiếp trước).
Bộ phim chủ yếu là các cuộc hội thoại giữa Nora và Hae Sung từ lúc còn thanh mai trúc mã, tới lúc mới bước vào đời, rồi tới lúc “gần trưởng thành”. Đan xen vào đó là những khoảng lặng cùng các cuộc hội thoại nhỏ hơn giữa Nora và Arthur.
Nhân vật “trung tâm nhất” của bộ phim là Nora. Cô phải theo gia đình sang Canada từ năm 12 tuổi, đối mặt với cuộc sống học đường khó khăn ép cô phải lớn trước tuổi. Cũng vì thế mà khi xem chúng ta có cảm giác Nora chín chắn hơn Hae Sung khá nhiều. Hae Sung thì suốt 24 năm đó gần như chỉ ở bên gia đình, có thể nói là đậm chất Á Đông truyền thống. Đi học - Nhập ngũ - Đại học - Trao đổi sinh viên sang Trung Quốc. Cũng tại đây cậu có bạn gái, nhưng không đi đến hôn nhân.
Về phần Nora khi sang Mỹ, cô cưới Arthur không hoàn toàn chỉ về mặt tình cảm, mà Arthur giống như cái “thẻ xanh” cho cô thăng tiến trong sự nghiệp, thậm chí Arthur còn là đồng nghiệp với cô nữa (nhớ trò đoán mối quan hệ đầu phim không?)
Rồi ngay cả cái cách cô gặp gỡ Arthur nó cũng rất chóng vánh, cô cũng lôi “inyeon” ra để ví von cùng Arthur, nhưng để mà so với “inyeon” giữa cô và Hae Sung thì đúng là một trời một vực.
Thế rồi vào thời điểm 24 năm sau, không phải tự dưng mà mình nói đây là lúc họ “gần trưởng thành”. Trước đó vào giai đoạn 12 năm, họ mới bắt đầu bước vào đời, tuy Nora có đi trước Hae Sung vài bước, nhưng cho đến hiện tại, Hae Sung về cơ bản cũng đã nhận thức được rõ về sự nghiệp. Chỉ còn duy nhất một mặt “tình cảm/tình yêu” là cả Nora và Hae Sung đều còn “sống trong quá khứ - past-lives”. Bởi “inyeon” của họ quá đẹp, chính Arthur, chồng của Nora cũng đã xác nhận điều đó. Arthur tự thấy mình là kẻ phá hoại mối tình đẹp như mơ của vợ, tự giác ngộ rằng “nhân duyên” của mình với vợ thua xa “nhân duyên” của vợ với Hae Sung.
Về phần Nora và Hae Sung, không khó để từ đầu đến cuối phim chúng ta nhận ra họ yêu nhau tới nhường nào. Nora thậm chí còn yêu Hae Sung nhiều hơn Arthur. Nhưng tại sao họ lại không thể đến được với nhau. Vì hoàn cảnh? Hay vì “nhân duyên chưa đủ”? Thực ra cả bộ phim đều xoay quanh hai chữ “nhân duyên”, nhưng thực chất nó chỉ như một cái cớ. Vào giai đoạn 12 năm trước, chính Hae Sung còn nói “chúng mình có phải đang hẹn hò gì đâu” khi call video với Nora. Vậy thì còn trách ai? Người xưa có câu, “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, quả thật Hae Sung chỉ còn biết tự trách mình. Còn Nora, ở giai đoạn này sẽ không có chuyện cô từ bỏ sự nghiệp để tiến tới với Hae Sung. Và cũng chính vì thế mà “nhân duyên” giữa cô với Arthur mới chớm nở.
Cảnh trên là cảnh khi Nora tiễn Hae Sung ra xe. Có lẽ đây là lần cuối cùng họ đối diện với nhau như thế này. Và nó lâu dã man. Hai người cứ đứng đó nhìn nhau chả nói gì cả, máy quay có hơi rung rất nhẹ chứ không phải đứng yên hoàn toàn. Đoạn này mình xem mà vừa da diết vừa tức tối. Tức vì Hae Sung cho đến tận giờ vẫn không chịu lên tiếng. Phải đến lúc gần vào xe rồi mới dám thốt ra những câu xót xa, chẳng thể cứu vãn nổi nữa. Nhưng cũng phải thôi, cái kết đã được định sẵn. Ngay từ đầu hai người họ đã “đường ai nấy đi”. (một phần bởi bộ phim là tự truyện của chính nữ đạo diễn Celine Song)

Tóm lại, đây là một bộ phim buồn da diết về sự trưởng thành trong nhiều mặt của người trẻ, nổi bật lên là sự trưởng thành trong tình yêu. Ở đời, ai cũng phải cân nhắc nặng nhẹ giữa tình yêu, sự nghiệp, gia đình. Ai cũng phải đưa ra những lựa chọn.
Tuy bộ phim đánh rất mạnh vào hai chữ “nhân duyên”, nhưng lại ngầm khuyên chúng ta đừng bám víu vào nó. Đừng có như Hae Sung hỏi câu “Nếu kiếp sau gặp lại thì sẽ…” Đừng có tự khép lại cánh cửa tình yêu của chính mình.
Bản thân mình tại lúc xem được Past Lives cũng đang ở trong một mối quan hệ gần giống với Hae Sung, nếu thành đôi cũng khá là đẹp sau bao nhiêu năm xa cách. “Nora của mình” cũng đang kẹt giữa hai người. Và bộ phim đã tiếp thêm động lực lẫn can đảm để mình chiến đấu vì tình yêu. Vẫn còn đó những lo sợ, những nghi ngờ, nhưng mình đã hạ được quyết tâm là sẽ không từ bỏ. Cơm chưa nấu thì gạo còn đó, phải chiến đấu thôi!
“Tình yêu mà không chiến đấu, thì có gọi là tình yêu?” Đừng mãi chỉ mong chờ “nhân duyên”, khi nó tới hãy cố gắng nắm lấy bằng tất cả sức lực.
2. Nghệ thuật điện ảnh
Không cần phải đắn đo về “nghệ thuật điện ảnh” của Past Lives. Tuy không phải một bộ được quay với vô kể những góc máy nghệ thuật, bố cục màu sắc hoàn hảo khiến người xem phải trầm trồ thán phục đến nỗi quá đà kiểu như Wes Anderson. Nhưng đôi lúc cũng có những góc máy trầm lặng rất ẩn ý.




Từ nhịp điệu, góc máy, editing,… tất cả đều hướng đến sự da diết, tiếc nuối. Nổi bật lên trên cả là phim có rất nhiều cảnh long take hội thoại giữa Nora và Hae Sung, thường được giữ ở góc Trung đến Toàn, cực kỳ ít góc Cận hay Cực Cận. Đây gần như là một nghịch lý trong quay phim, bởi ai cũng biết góc cận sẽ tốt cho việc thể hiện cảm xúc nhân vật hơn là góc rộng.




Ngoài ra, việc lựa chọn “Long take kết hợp Góc Trung đến Toàn” nhiều tạo ra được một cái nhịp nhẹ nhàng xuyên suốt cả phim. Khán giả có thể lựa chọn nhìn vào cả hai nhân vật, để ý tới khoảng cách giữa họ, hay các cử chỉ nhỏ trong lúc họ trò chuyện như ánh mắt, nụ cười, mím môi, vuốt tóc,… Bộ phim không bó buộc người xem phải chú ý vào duy nhất một cử chỉ quá nhiều, mà để chúng ta tự do cảm nhận.
Tuy vậy, đâu thể cứ như thế mãi được, Past Lives có cao trào, cụ thể là ở phân cảnh cả ba nhân vật trò chuyện tại quán bar, chính là cảnh được chiếu trong cảnh Phá vỡ bức tường thứ tư ở đầu phim.
Tại thời điểm này khi xem, mình có một phỏng đoán là… Bây giờ chính là lúc để spam góc cận, cả phim đã tiết kiệm góc cận lắm rồi, tại cao trào này, phim cần đi vào sâu hơn, đẩy mạnh hơn. Và quả nhiên đúng thật, chúng ta có rất nhiều góc cận shot/reverse shot qua lại giữa Nora và Hae Sung trong suốt 3 phút liên tục, cùng những biểu cảm khi họ bàn về quá khứ, bàn về “nhân duyên”, đặt ra những giả thiết, nếu thế này nếu thế kia.






Tóm lại, về mặt điện ảnh, đây là điểm mình thấy phim làm tốt nhất. Không phải những cú máy đẹp, mà là nhịp điệu trong editing. Cách phim chọn lựa, xây dựng mối liên hệ giữa Toàn-Trung-Cận trong toàn bộ thời lượng chứ không chỉ trong những phân cảnh riêng lẻ. Từ đó, tạo ra cái nhịp điệu “vừa đời vừa phim”, nhất quán xuyên suốt cả bộ.
Ngoài ra, mình muốn nói qua một chút về điểm mà mình thấy hơi tiếc ở bộ phim. Cụ thể là ở phần thứ hai, 12 năm sau khi họ mới bước vào đời, đặc biệt là những cảnh khi Nora và Hae Sung call video với nhau. Nó khá bình thường và hơi lạc quẻ so với nghệ thuật mà hai phần kia mang lại. Ít góc máy ấn tượng, nhịp điệu cũng hơi rối. Lý do có thể là tại chính bối cảnh của phần này. Call video có lẽ là thứ hơi khó để điện ảnh hóa.
3 - Tổng kết
Chắc chắn mình sẽ còn xem lại bộ phim này, sớm thôi. Cũng là để tiếp thêm động lực. Nhà A24 tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ điện ảnh. Việc bộ phim lọt vào đề cử Best Picture của Oscar là hoàn toàn xứng đáng. Vậy câu hỏi đặt ra…
Past Lives có đáng xem hay không? Nếu đáng, thì đáng xem với đối tượng khán giả nào?
Nếu bạn là một người mê phim, đặc biệt là phim nghệ thuật, thì hiển nhiên Past Lives cực kỳ đáng xem, khỏi cần mình giới thiệu.
Nếu bạn đơn giản là xem phim để giải trí, thì có lẽ cần cân nhắc một xíu, bộ phim có thể sẽ hơi chậm so với thị yếu hiện nay.
Nếu bạn còn trẻ, bất kể là đang yêu, chưa yêu hay đã yêu, thì dứt khoát phải xem Past Lives. Để có thể học cách chấp nhận quá khứ, học cách chiến đấu vì tình yêu, đừng để như Nora và Hae Sung, tiếc nuối cả một đời.
Cảm ơn độc giả. Hy vọng làm thỏa mãn các bạn.